Mất tiền, hại người vì chữa bệnh online

Trong nhà chẳng may có người mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ, không ít các phụ huynh lại lên mạng tìm “anh Google” để hỏi phương thuốc chữa trị. Tuy nhiên thực tế đã có không ít người “thấm đòn” vì tin “bác sĩ online”, vì Google không phải là… bác sĩ.

Mất tiền, hại người vì chữa bệnh online 1
Chỉ cần post hình ảnh hoặc miêu tả tình trạng bệnh cho con trên mạng Internet, lập tức có hàng trăm bác sĩ không tên tuổi vào chẩn bệnh, bốc thuốc.
 
Suýt hại con vì “bác sĩ mạng”

Câu cửa miệng mà nhiều người hay nói khi có ai đó hỏi gì mà chưa có câu trả lời rằng: “Cái gì không biết thì tra Google”. Ngay cả khi trong nhà có người mắc bệnh, hay trẻ nhỏ có những biểu hiện bất thường mà các phụ huynh chưa tỏ, thói quen này cũng được phát huy.

Quả thực vào Google gõ cụm từ “Con nhà mình bị… phải làm sao hả các mẹ” lập tức hiện ra tới 25,5 triệu kết quả. Trong đó, cơ man là những câu hỏi các mẹ muốn nhận được câu trả lời của những người đi trước như: “Con nhà mình có hai răng mới nhú nhưng bị ho sốt phải làm sao?”; “Con nhà mình sáng nay ngủ dậy mặt mũi sưng vù phải làm sao?”; “Con nhà mình tiêu chảy 3 ngày ăn lá mơ với trứng không khỏi, làm gì?”…

Chị Nguyễn Thị Yến Nhi (phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên vào các diễn đàn và thấy có một trường hợp cách đây một tuần, một mẹ ở thị trấn Cổ Điển, Đông Anh có con 2 tuổi bị nôn trớ, kèm sốt cao, lại thêm tiêu chảy. Thay vì đưa con đến bệnh viện cấp cứu, chị này lại tra Google để hỏi cách chữa bệnh, sau đó làm theo chỉ dẫn trên mạng. Nhưng bệnh của con lại tiến triển nặng thêm… chị này lại mở cả topic trên diễn đàn để cầu cứu. Rất nhiều bà mẹ đã chẩn bệnh, kê đơn cho bé. Người thì khẳng định “như đinh đóng cột” là cháu bị virus Rota, chỉ cần uống oresol. Có người lại bảo cháu bị tiêu chảy cấp… rồi cho mẹo chữa… Đến khi cháu bé bị nôn khan, sốt li bì, nguy kịch thì bà mẹ đó mới đưa con vào viện”.

 Một bà mẹ khác đang chăm con tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vì đã tin vào bài thuốc trên Google, thút thít tâm sự: “Con tôi bị máu huyết tán. Bác sĩ chỉ định phải truyền máu theo định kỳ vì con bị thiếu máu do máu tan. Nhưng do nhiều lần truyền máu mà con vẫn không khỏi, tôi sốt ruột mang chuyện bệnh của con lên diễn đàn để hỏi ý kiến. Có rất nhiều ý kiến, kinh nghiệm được nêu ra và tôi đã cho con tẩm bổ bằng những bài thuốc, thức ăn được cho là bổ máu trên mạng như: ăn gan, ức gà, thịt bò, bí ngô, cá hồi, rau dền đỏ, đậu đỏ... nhưng hiện tượng tan máu không được khắc phục mà còn nặng thêm, khiến con bị thiếu máu trầm trọng, kiệt sức và phải đến bệnh viện cấp cứu mới giữ được mạng sống”…
 
Mất tiền bệnh lại nặng thêm

Theo BS Nguyễn Chí Hiếu, Phòng khám Nhi khoa (đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội), không ít các phụ huynh đưa con đến phòng khám trong tình trạng bệnh đã nặng do trước đó chuyên tâm chữa bệnh cho con bằng các phương pháp tìm trên… Google. Nhiều người lười đưa con đến bệnh viện, phòng khám, tin diễn đàn hơn tin bác sĩ thì con sẽ phải gánh chịu thiệt thòi.

Cha mẹ không nên cho con uống thuốc nếu không có chỉ định khám và kê toa của bác sĩ, kể cả là đơn thuốc của các dược sĩ ở những nhà thuốc. Bởi bên dược, họ chỉ biết về thuốc, mà không biết rõ về y. Vì nhiều bệnh có triệu chứng giống nhau nhưng căn nguyên gây bệnh lại khác nhau nên phác đồ điều trị cũng không giống nhau. Chẳng hạn cũng bị ho và sốt nhưng có người là do bị sốt virus, có người lại do vi khuẩn bội nhiễm”, BS Nguyễn Chí Hiếu khuyến cáo.

Còn ThS. BS Bùi Hoàng Ngân (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ bao giờ cũng phải hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng của bệnh nhân, hướng dẫn người nhà cách theo dõi, làm gì nếu có tai biến. Không thể tin lời phán bệnh của những người mà không biết họ có chuyên môn hay không, để liều lĩnh áp dụng chữa bệnh cho con mình. Google không phải là bác sĩ để đặt trọn niềm tin vào đó.
 
“Để hành nghề thầy thuốc, thường phải kinh qua quá trình học y 6 năm, nhưng sau khi ra trường, không phải ai cũng hành nghề ngay được. Có nhiều người phải mất thêm 3 năm nội trú, học cao học. Không có lý do gì, chỉ dựa vào một bức ảnh trên mạng, những dòng miêu tả mà những người không có chuyên môn có thể phán bệnh, kê toa thuốc mà mình làm theo. Những người tin vào ý kiến, kinh nghiệm trên mạng rồi chữa bệnh cho con thì đó là một sai lầm. Các bậc cha mẹ cần tỉnh táo và chấm dứt hành động thiếu suy nghĩ này”.
ThS. BS Bùi Hoàng Ngân (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai).
 
Mai Hạnh

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »

EmoticonEmoticon

Note: Only a member of this blog may post a comment.