Showing posts with label men gan. Show all posts
Showing posts with label men gan. Show all posts

Video Xét nghiệm men gan và Chỉ số xét nghiệm Men gan

Video Xét nghiệm men gan tại Suckhoe24g.blogspot.com

Chỉ số xét nghiệm 'Men gan': Cảnh báo dấu hiệu bệnh gì?

Hiện nay, người ta thường làm một số xét nghiệm để đánh giá chức năng gan. Tuy nhiên, khi cầm kết quả xét nghiệm nhiều người sẽ thắc mắc kết luận “tăng men gan” và cùng một số chỉ số cơ bản khác liên quan đến chức năng gan sẽ cảnh báo dấu hiệu bệnh lý gì, nếu không được bác sĩ tư vấn kỹ.

Men gan nằm trong tế bào gan và là một loại men tham gia vào các quá trình chuyển hóa quan trọng các chất trong cơ thể. Vì vậy, men gan có một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người.

Men gan có tên là men transaminase, gồm có 3 loại là AST (SGOT), ALT (SGPT) và gamma GT.

1. Men AST (Aspartat transaminase) hay còn gọi là SGOT: là một enzym hiện diện ở các mô có hoạt động chuyển hóa mạnh, với nồng độ thấp dần trong tim, gan, cơ, thận, não, tụy, lách và phổi

Enzym này được phóng thích vào máu khi tế bào bị tổn thương hoặc chết. Khi có một bệnh lý nào làm ảnh hưởng đến các mô kể trên thì AST sẽ tăng lên. Lượng AST trong máu sẽ phản ánh trực tiếp lượng tế bào bị tổn thương và khoảng thời gian đã xảy ra từ lúc có tổn thương mô đến lúc thực hiện thí nghiệm. Khi có tổn thương tế bào nặng thì nồng độ AST trong máu sẽ tăng lên trong vòng 12 tiếng đầu và sau đó sẽ cao kéo dài trong khoảng 5 ngày.

- Trị số bình thường: dưới 20 UI/ml.
- Giảm: nồng độ AST trong huyết thanh gặp trong tăng nitơ huyết và thẩm phân thận mãn.
- Tăng: nồng độ AST trong huyết thanh xảy ra trong nhồi máu cơ tim, bệnh gan (viêm gan cấp hoặc mãn, xơ gan thể hoạt động, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, viêm gan do rượu); hoặc trong một số bệnh khác có kèm tăng nồng độ AST (viêm tụy cấp, chấn thương, viêm da cơ, viêm đa cơ). 

Xét nghiệm này được dùng để đánh giá bệnh gan và bệnh tim.

2. Men ALT(Alanin aminotransferase) hay còn gọi là SGPT có nhiều ở gan và có ít ở thận, tim và cơ

Khi có tổn thương hoặc bệnh lý ảnh hưởng đến nhu mô gan sẽ phóng thích enzym ALT từ tế bào gan vào máu, làm tăng nồng độ ALT trong huyết thanh.

Xét nghiệm này chủ yếu được dùng để chẩn đoán bệnh lý về gan và để theo dõi điều trị bệnh viêm gan, xơ gan sau hoại tử dạng hoạt động và tác dụng điều trị của thuốc. ALT cũng giúp chẩn đoán phân biệt giữa vàng da do tán huyết và vàng da do bệnh gan.

- Trịsố bình thường: dưới 20 UI/ml
- Tăng nồng độ ALT trong huyết thanh gặp trong bệnh lý biểu mô tế bào gan, xơ gan thể hoạt động, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp, nhồi máu cơ tim, bỏng nặng, sốc nặng, vàng da tắc mật, viêm gan do nhiễm siêu vi hoặc do ngộ độc.
- Giảm nồng độ ALT trong huyết thanh thường ít được đề cập đến. 

Lưu ý: riêng ý nghĩa tỉ số men AST/ALT có kết quả khác nhau tùy theo trong những trường hợp bệnh lý khác nhau như:
+ Trong nhồi máu cơ tim, mặc dù nồng độ AST luôn tăng, nhưng nồng độ ALT không phải bao giờ cũng tăng theo.
+ Trong tắc mật ngoài gan, ALT thường tăng nhiều hơn AST.
+ Trong bệnh gan do rượu, ALT ít tăng hơn AST.

3. Men GGT: Gamma Glutamyl Transferase(gamma GT) 

Là một enzyme của màng tế bào, tham gia vào quá trình trao đổi các axit amin qua màng tế bào. Gamma GT là men đầu tiên bị thay đổi chỉ số khi xảy ra các bệnh lý gan và đường mật.

- Trị số bình thường ở:
+ Nam: 5-38 U/L;
+ Nữ: 5-29U/L;
+ Trẻ nhỏ: 3-30U/L;
+ Trẻ sơ sinh: Lớn gấp 5 lần giá trị được thấy ở trẻ nhỏ.

Khi cơ thể bạn mắc một số bệnh như: viêm gan, xơ gan do rượu, viêm gan nhiễm trùng, viêm gan mãn tính, áp xe gan, tăng mỡ trong máu (lipid máu), xơ gan do mật tiên phát, viêm đường mật xơ hóa, sỏi mật, ung thư biểu mô đường mật… thì men gan này tăng lên cao hơn bình thường. 

Ở người nghiện rượu, men GGT thường gia tăng đơn độc (không kèm theo tăng ALT,AST, LDH). Lượng enzym này trong máu tương ứng với lượng rượu hấp thụ.

Theo dõi lượng enzym trong các lần xét nghiệm máu định kỳ, thường xuyên giúp bác sĩ đánh giá thói quen dùng rượu của bệnh nhân.

Từ đây, xét nghiệm này cho phép phát hiện các bệnh nhân nghiện rượu song không chịu nhận mình nghiện rượu. Việc theo dõi này sẽ giúp chẩn đoán sớm các vấn đề gan, mật ở bệnh nhân nghiện rượu, nhất là xơ gan do rượu và u gan.

Bài viết "Chỉ số xét nghiệm Men gan: Cảnh báo dấu hiệu bệnh gì? "
TS.BS.Trần Phủ Mạnh Siêu - Bệnh viện Nguyễn Trãi
Nguồn tài liệu T4G Tp.HCM