Chữa đầy hơi không cần dùng thuốc

Chữa đầy hơi không cần dùng thuốc
Chứng đầy hơi, chướng bụng luôn hành hạ bạn? Đừng quá lo lắng. Những gợi ý sau có thể giúp bạn “làm xẹp” bụng một cách nhanh chóng.

Ăn cá hồi giúp chữa chướng bụng hiệu quả 

- Theo các chuyên gia, uống trà xanh có thể giúp tống khứ lượng hơi dư thừa ra khỏi cơ thể, giúp bạn không còn bị đầy bụng.

- Phụ nữ đối mặt với vấn đề đầy hơi nhiều hơn nam giới do họ có chu kỳ kinh nguyệt hằng tháng. Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt là đầy hơi và giữ nước.

Thay vì ăn một số loại thực phẩm sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình, hãy thử ăn cá hồi. Nguồn axít béo omega-3 trong cá hồi sẽ giúp bạn tránh được cảm giác đầy bụng và thậm chí giúp cải thiện tâm trạng. Vì vậy, luôn nhớ bổ sung cá hồi trong thực đơn ăn uống của bạn trong những ngày gần “đến tháng”.

- Hạt lanh không chỉ tuyệt vời cho sức khỏe tim mạch mà còn là phương thuốc trị đầy hơi hiệu quả. Đó là nhờ hàm lượng chất xơ phong phú trong hạt lanh, theo báo The Times of India.

- Tránh ăn muối khi bạn bị đầy hơi. Ngoài ra, không nên ăn các thực phẩm chiên và thức ăn nhanh khi bạn bị chướng bụng.

- Ăn một hủ sữa chua giúp trị đầy hơi. Đây là liệu pháp trị đầy hơi hiệu quả vì giúp đẩy hơi ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.

10 loại thực phẩm chữa "kinh nguyệt không đều"

10 loại thực phẩm chữa "kinh nguyệt không đều"
Kinh nguyệt không đều, y khoa gọi là oligomenorrhea, là một vấn đề thường gặp ở phụ nữ. Phụ nữ thường có 11-13 chu kỳ trong một năm, nhưng nếu mắc oligomenorrhea có thể có ít hơn 6 hoặc 7 chu kỳ trong năm. Dưới đây là một số loại thực phẩm tự nhiên để chữa kinh nguyệt không đều, theo boldsky.

Nho chứa chất sắt giúp điều hòa kinh nguyệt do thiếu sắt 

Gừng: Loại thực phẩm này làm giảm đau bụng kinh. Vì vậy, nó có thể được sử dụng để chữa kinh nguyệt không đều. Uống trà gừng hoặc có thể bổ sung gừng vào chế độ ăn uống hằng ngày.

Cây quế: Cây quế giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và điều tiết chu kỳ kinh nguyệt. Có thể dùng cây quế như trà hay trộn với nước chanh uống để chữa kinh nguyệt không đều.

Lô hội: Lô hội giúp điều chỉnh các loại hoóc môn chịu trách nhiệm cho kinh nguyệt. Có thể uống dạng nước ép lô hội. Ngoài ra, nó cũng giúp kiểm soát cân nặng.

Nghệ. Nghệ giúp kích thích lưu lượng máu trong tử cung và cân bằng hoóc môn. Do đó, nghệ giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nó cũng làm giảm đau bụng kinh và co thắt bụng. Nghệ có thể được dùng chung với sữa.

Đu đủ xanh: Loại quả chưa chín này tác động lên tử cung bằng cách gây ra các cơn co thắt tử cung và tăng lưu lượng máu đến tử cung. Bằng cách này, nó giúp chữa kinh nguyệt không đều.

Nước ép cà rốt: Cà rốt có nhiều chất dinh dưỡng giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Bổ sung cà rốt vào chế độ ăn uống hàng ngày để khắc phục tình trạng kinh nguyệt không đều.

Nho: Nho chứa sắt và giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt gây ra do thiếu máu. Đây là loại thực phẩm tốt nhất cho kinh nguyệt không đều.

Rau mùi: Rau mùi là một chất kích thích tự nhiên và do đó giúp điều tiết các loại hoóc môn. Nó giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và làm giảm đau bụng kinh.

Mướp đắng: Loại quả này là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho kinh nguyệt không đều. Bạn có thể dùng ở dạng nước ép để có kết quả tốt nhất. Dùng hai lần mỗi ngày.

Quả chà là: Loại quả này rất giàu chất sắt và chất dinh dưỡng khác. Đây là một trong những loại thực phẩm chữa kinh nguyệt không đều tốt nhất.

5 điều cần biết về bệnh trĩ

1. Không nên giấu bệnh trĩ

Khi có dấu hiệu táo bón, chảy máu hoặc sa lồi ở hậu môn, phần lớn mọi người không chịu đi khám vì tâm lý e ngại "bệnh khó nói". Chỉ đến khi bệnh đã nặng, bệnh nhân cảm thấy đau rát và chảy máu nhiều mới bắt đầu tìm thầy tìm thuốc. Không ít người còn chọn cách tự chữa bệnh bằng các bài thuốc truyền miệng chưa có căn cứ khoa học.

Bác sĩ chuyên khoa cho rằng, điều trị trĩ bằng Đông y (uống thuốc, bôi thuốc…) chỉ có khả năng điều trị bệnh trĩ khi còn ở thể nhẹ và giúp bệnh trĩ tránh tái phát sau phẫu thuật. Cho đến nay phẫu thuật vẫn là phương pháp giúp loại bỏ búi trĩ nhanh nhất khi bệnh trĩ đã đến giai đoạn nặng hoặc đã biến chứng. Do đó, bạn hãy là người bệnh thông thái đi khám chuyên khoa hậu môn trực tràng hoặc tiêu hoá ngay khi có các dấu hiệu ban đầu kể trên để được điều trị kịp thời, tránh phẫu thuật khi không thật sự cần thiết.

Không nên giấu bệnh trĩ

2. Trĩ không phải là ung thư đại trực tràng, u hậu môn


Để phân biệt bệnh trĩ với ung thư đại trực tràng, người bệnh nên đi soi đại trực tràng tại các cơ sở chuyên khoa để có chỉ định điều trị cụ thể. Nếu là bệnh trĩ thì bạn sẽ điều trị theo đơn thuốc của thầy thuốc chuyên khoa ngoại trú tại nhà, không nên tự mình dùng thuốc hoặc nghe người khác mách phương pháp truyền miệng mà họ đã dùng.

Tương tự như thế để phân biệt giữa u hậu môn và trĩ hậu môn bạn cũng cần được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám kỹ càng. Đây là 2 bệnh khác hẳn nhau. Trĩ hậu môn bao gồm cả trĩ nội và trĩ ngoại đều do các mạch máu vùng hậu môn dãn rộng và sa ra ngoài khi đi đại tiện. Khi rặn hoặc búi trĩ nằm thường xuyên ở ngoài nếu là trĩ ngoại hoặc trĩ nội nặng. Lúc này nó giống như một cái u. U hậu môn là một quá trình tăng sinh bất thường của các tổ chức vùng hậu môn, nguyên nhân chưa biết. Có 2 loại u: u lành (không nguy hiểm), và u ác (ung thư). Do đó, nhất thiết cần đi khám hậu môn khi thấy có u, cục ở hậu môn.

3. Trẻ em vẫn có thể mắc bệnh trĩ


Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, trẻ em thì không thể mắc trĩ, nhưng sự thật thì không phải vậy. Trĩ chỉ hiếm gặp ở trẻ nhỏ dưới 6 tuối, ở đối tượng này phần lớn là do giãn tĩnh mạch trực tràng ( sa trực tràng) hoặc rách hậu môn, viêm nhiễm khuẩn hậu môn. Khi trẻ nhỏ có bệnh trĩ thì rất khó chữa, bởi những thuốc chữa trĩ rất khó uống vì vậy các bé thường không muốn uống nên các bậc phụ huynh cần kiên trì.

Trẻ em vẫn có thể mắc bệnh trĩ

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ không nên “đợi tuổi” con lớn để chữa trị. Không có tuổi nào chữa là tốt nhất cả, khi đã bị trĩ thì phải điều trị. Khi điều trị gặp đúng thầy đúng thuốc thì kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, dùng chất xơ kéo dài với liều lượng cho phép không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, nên dùng những thức ăn nhuận tràng như rau lang, diếp cá, đu đủ, chuối, rau đay, mồng tơi và uống nhiều nước…

Khi thấy trẻ đi ngoài chảy máu hoặc cháu kêu đau nên đến các trung tâm tiêu hóa hoặc chuyên khoa hậu môn trực tràng để được nội soi, khám và chẩn đoán chính xác.

4. Không nên chữa bệnh trĩ bằng bài thuốc truyền miệng


Bệnh nhân trĩ thường truyền miệng nhau phương pháp chữa trị bằng lá thầu dầu tươi, cao hạt dẻ ngựa. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, đây là một trong những kinh nghiệm dân gian, vì vậy có người làm như vậy có tác dụng nhưng không phải ai làm như vậy cũng có tác dụng.

Hiện nay khoa học phát triển, có rất nhiều phương pháp điều trị kể cả nội khoa và ngoại khoa rất rẻ tiền mà khỏi được bệnh. Bởi vậy người bệnh không nên làm những phương pháp truyền miệng chưa có tài liệu nghiên cứu khoa học chứng minh để tránh chữa “ lợn lành thành lợn què”.

5. Bệnh trĩ có thể chữa dứt điểm


Cho đến nay, tuy phẫu thuật không thể chữa dứt điểm tất cả các loại trĩ nhưng với đa số bệnh nhân mắc bệnh, có thể loại bỏ các búi trĩ bằng phương pháp phẫu thuật. Hiện có rất nhiều phương pháp phẫu thuật bệnh nhân trĩ, đặc biệt là phương pháp khâu treo triệt mạch dưới siêu âm doppler không xâm lấn nên không đau; hoặc phương pháp longgo và nhiều phương pháp hiện đại khác như điều trị sóng cao tần đem lại kết quả tốt.
Bệnh trĩ có thể chữa dứt điểm

Tuy nhiên phẫu thuật trĩ chỉ là một phần trong quá trình điều trị trĩ. Một việc rất quan trọng mà bệnh nhân thường bỏ qua là hồi phục chức năng hậu môn và làm bền hệ tĩnh mạch trĩ để tránh tái phát.

Sau phẫu thuật trĩ, người bệnh cần kết hợp ăn đủ dinh dưỡng, tăng chất xơ, giảm chất kích thích. Cần vệ sinh hậu môn đúng cách, ngâm hậu môn nước ấm vì bệnh trĩ tỷ lệ tái phát rất cao.

Theo các chuyên gia, phương pháp nào cũng có hạn chế, không có phương pháp nào tuyệt đối. Tùy từng phương pháp mà có tỉ lệ tái phát khác nhau, việc tái phát bệnh là do từng bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong có kiêng khem hoặc thực hiện theo hướng dẫn của thầy thuốc hay không.

Theo khuyến cáo bác sĩ sau khi phẫu thuật ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, người bệnh cần sử dụng thuốc từ Đông Y để hồi phục chức năng hậu môn và làm bền hệ tĩnh mạch trĩ để tránh tái phát.

Bài "5 điều cần biết về bệnh trĩ"
Nguồn không nhớ nữa ^^

Lá hẹ - thuốc quý chữa nhiều bệnh

Lá hẹ - thuốc quý chữa nhiều bệnh
Lá hẹ không chỉ là loại rau được dùng nhiều trong các món ăn mà còn là cây thuốc quý chữa được rất nhiều bệnh tật.

Theo Đông y, lá hẹ để tươi có tính nhiệt, nhưng khi nấu chín lại có tính ôn (ấm), vị cay, hơi chua, không độc, đi vào các kinh can, tỳ và vị; tác dụng ôn trung, hành khí, tán độc, dùng trị ho cho trẻ em, chữa chứng ra mồ hôi trộm, đi tiểu nhiều lần, tiêu hóa kém, trĩ sưng đau…

Theo nghiên cứu hiện đại, trong 1kg hẹ có 5-10g đạm; 5-30g đường; 2g vitamin A; 89g vitamin C; 2,6g canxi; 2,2g phospho… Lá hẹ có rất nhiều chất xơ, có tác dụng giảm đường huyết, giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ mỡ động mạch, bảo vệ tuyến tụy…

Trong thành phần của cây hẹ có chứa các hoạt chất kháng sinh. Vì vậy, hẹ có thể trị được ghẻ ngứa, chín mé, nhiễm trùng da…



Dưới đây là một số bài thuốc từ lá hẹ:

Lá hẹ trị chứng viêm họng nặng

Họng bị viêm nặng, sưng đau, ăn uống khó khăn thì lấy một nắm lá hẹ hơ nóng rồi đặt vào trước cổ, bó lại. Khi thấy lá hẹ nguội thì lại thay bằng nắm lá hẹ hơ nóng khác. Sau vài lần làm như thế bệnh sẽ khỏi.

Lá hẹ chữa hen suyễn (khó thở)

Lá hẹ một nắm giã nát, lấy nước uống hay sắc lên để uống. Khi lên cơn hen cấp: lá Hẹ một nắm sắc lên uống thì hạ cơn ngay.

Lá hẹ chữa ho trẻ em

Lấy lá hẹ tươi đem cắt nhỏ, cho đường phèn vào cùng một bát, sau cho bát vào nồi cơm hấp chín. Cho trẻ uống nước dần trong ngày, 2-3 lần.

Lá hẹ chữa cảm mạo, ho do lạnh:

Lá hẹ 250g, gừng tươi 25g, cho thêm ít đường rồi hấp chín, ăn cả cái và uống nước.

Lá hẹ chữa ra mồ hôi trộm

Lá hẹ tươi 200g, thịt rắn 100g. Đem hai thứ này hấp chín, nêm gia vị vừa ăn. Cần cho trẻ dùng hàng ngày đến khi hết bệnh.

Lá hẹ trị đi tiểu nhiều lần

Lá hẹ, cây tơ hồng xanh, ngũ vị tử, phúc bồn tử, câu kỷ tử, nữ trinh tử. Mỗi vị 40g, đem phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6g bột hỗn hợp này. Ngày uống 2 lần với nước ấm.

Trị tiểu đường: Để thuốc không phản chủ

Trị tiểu đường: Để thuốc không phản chủ
Sử dụng thuốc trong điều trị tiểu đường không nằm ngoài công thức: dùng đúng + lối sống khoa học.



Sống khoa học

Theo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu thì thuốc trị bệnh tiểu đường sẽ phát huy tối đa tác dụng của nó khi được kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn và giảm cân nếu cần. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng một cách trực tiếp tích cực hoặc tiêu cực đến công dụng của thuốc.

Bỏ bữa hay ăn quá no trong một bữa thì đều làm cho hàm lượng đường trong máu của bạn tăng cao. Chính vì thế, thay vì chỉ ăn thành 3 bữa chính bạn nên chia ra thành nhiều bữa nhỏ mỗi ngày, để giúp hàm lượng đường trong máu được cân bằng. Tránh xa các loại đồ hộp vì chúng có chứa nhiều chất béo và tinh bột hoàn toàn bất lợi cho bệnh nhân mắc tiểu đường.

Thể dục có những ảnh hưởng tích cực đối với quá trình chuyển hóa glucose trong máu cũng như khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường không nên áp dụng bài tập như mang vác các vật nặng, quá sức; chạy bộ hay đi bộ quá lâu sẽ gây nên ảnh hưởng tiêu cực cho đôi chân.

Theo dõi lượng đường huyết thường xuyên là yếu tố quan trọng làm căn cứ cho việc kê đơn và điều trị, vì vậy bạn nên tập cho mình thói quen này.

Trao đổi kỹ với bác sĩTrong quá trình chữa bệnh, sự trao đổi giữa bệnh nhân và bác sĩ là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị. Dưới đây là những vấn đề mà bạn không nên bỏ qua khi trao đổi với bác sĩ:

Liệt kê các loại thuốc đang dùng: Cho bác sĩ biết tên các loại thuốc, thảo dược hay vitamin đang dùng sẽ giúp bác sĩ hiểu hơn về các vấn đề của bạn để có phương pháp điều trị thích hợp, tránh tình trạng tương tác hay phản ứng thuốc. Chưa kể một số loại thuốc điều trị bệnh khác (VD: thuốc điều trị cao huyết áp) có thể làm tăng lượng đường glucozo trong máu.

Trong trường hợp dùng thuốc và phát hiện hàm lượng đường glucozo trong máu tăng hoặc giảm bạn nên tham vấn bác sĩ để kiểm tra lại đơn thuốc. Ngoài ra, bạn nên kiểm tra thường xuyên lượng đường trong máu sau khi sử dụng một loại thuốc trị bệnh mới.

Điểm tên các loại bệnh từng gặp: Ngoài việc cho bác sĩ biết các loại thuốc bạn đang sử dụng thì bạn cũng cần chia sẻ mọi rắc rối về sức khỏe mà bạn đang gặp phải, nhất là các bệnh về tim mạch, tiền sử cao huyết áp, phẫu thuật… Vấn đề tuổi tác cũng quan trọng không kém, bởi theo kết quả nghiên cứu, người già là đối tượng dễ gặp phản ứng phụ khi dùng thuốc điều trị tiểu đường, đặc biệt là khi dùng ở liều lượng cao.

Ngoài ra, bạn không nên bỏ qua những câu hỏi căn bản nhất khi bác sĩ kê đơn như:

- Tôi nên dùng loại thuốc này vào thời điểm nào? Trước/sau hay cùng thời điểm với các bữa ăn?

- Nên dùng thuốc mấy lần một ngày?

- Có nên dùng thuốc vào cùng một thời điểm trong ngày?

- Phải làm gì nếu không may tôi lỡ quên uống thuốc?

- Tác dụng phụ của thuốc là gì?

- Khi gặp phải những tác dụng phụ của thuốc tôi phải xử trí ra sao?

Làm gì khi “mãi không khỏi”?

Quá nôn nóng hay dễ nản chí trong quá trình điều trị là tâm lý thường gặp ở đa số bệnh nhân. Nhưng khi thuốc chưa phát huy tác dụng thì chán nản chỉ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi hơn. Bạn nên hiểu không có loại thuốc trị tiểu đường nào là “thần dược” cả. Cùng một loại thuốc nhưng nó có thể hiệu quả với người này nhưng lại vô tác dụng với người kia. Vì vậy, qua quá trình điều trị nếu không thấy có chuyển biến tích cực, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để thay đổi một loại thuốc phù hợp hơn và mang lại hiệu quả tích cực hơn.

Hãy kiên trì khi dùng thuốc và xác định tư tưởng rằng bệnh tiểu đường là một căn bệnh nan y, khó có thể điều trị dứt điểm trong một sớm một chiều, đôi khi bạn còn phải “chung sống” với nó đến hết đời.
Bạn cũng đừng quên ghi lại chi tiết những tác dụng phụ của thuốc, biểu hiện và thời gian kéo dài của các biểu hiện đó; lưu ý cả diễn tiến của bệnh, các loại thuốc dùng kèm trong quá trình điều trị… Đó sẽ là những “căn cứ” rất quan trọng mà bạn cần cung cấp cho bác sĩ để phát hiện ra những bất thường của cơ thể và đưa ra quyết định đổi loại thuốc khác.
Lưu ý: Không dùng thuốc đã hết hạn, có sự thay đổi về màu sắc, biến chất như chảy nước, vỡ vụn hay có biểu hiện bị mốc.

Học ăn để trị tiểu đường

Chế độ ăn cũng có thể giúp bạn giảm thiểu lượng đường trong máu một cách tự nhiên.

- Cắt giảm những thực phẩm giàu chất béo và những đồ uống có gas, đồ uống chứa cồn, nhiều đường vì đó là những “thủ phạm” chính khiến lượng đường trong máu tăng cao.

- Bổ sung quế thường xuyên vào chế độ ăn uống là một trong những cách tự nhiên giúp giảm lượng đường trong máu.

- Tăng cường rau xanh và trái cây, nhất là các loại rau có màu xanh sẫm và các loại quả như bưởi, các loại cam, quýt, táo, nho…

Lối thoát cho người viêm đại tràng

Lối thoát cho người viêm đại tràng
Nếu bạn đau quặn bụng kèm với các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, mót rặn, có sốt hoặc ớn lạnh, có thể bạn đang bị viêm đại tràng.

Những cơn đau do viêm đại tràng có thể kéo dài vài giờ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tác động xấu đến toàn bộ chất lượng cuộc sống. Làm sao để bạn cắt nhanh những cơn đau này?

Viêm đại tràng gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh

Bạn hiểu thế nào về viêm đại tràng?

Có hai loại viêm đại tràng, cụ thể như sau:

Viêm đại tràng cấp tính xảy ra do nhiều nguyên nhân:
• Do nhiễm vi khuẩn, vi-rút từ nước và thực phẩm ô nhiễm.
• Do lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh khác. Kháng sinh giết chết vi khuẩn có lợi, làm tăng vi khuẩn có hại trong đường ruột.
• Do thiếu máu cục bộ, khi động mạch không thể cung cấp đủ máu để nuôi dưỡng đại tràng.
• Viêm đại tràng cấp tính diễn ra trong thời gian ngắn, xuất hiện rồi tự khỏi, đôi khi không cần xử lý.

Viêm đại tràng mãn tính: Những cơn đau quặn bụng sẽ thường tái phát mỗi khi ăn phải thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm lạ. Từ một đoạn đại tràng bị viêm loét, tình trạng này có thể tiến triển xấu, khiến cả đại tràng tổn thương và làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Trường hợp viêm đại tràng mãn tính cần được chẩn đoán cụ thể và điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.

Những “cứu cánh” của bệnh nhân viêm đại tràng
Ở giai đoạn đầu mắc bệnh, bạn có thể thay đổi chế độ ăn uống và sử dụng thảo dược để hỗ trợ chữa trị.

Lưu ý trong chế độ ăn

• Người viêm đại tràng có dấu hiệu táo bón nên ăn nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt và rau quả. 


Ngũ cốc nguyên hạt đặc biệt có lợi cho hệ tiêu hóa của người mắc bệnh viêm đại tràng

• Nên ăn 50–175g protein từ cá, trứng và thịt gia cầm mỗi ngày.
• Nên ăn sữa chua ít đường để bổ sung men vi sinh giúp cân bằng vi khuẩn trong đường ruột, tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa.
• Tránh uống cà-phê, rượu, đồ uống có ga, đậu, trái cây sấy khô, các sản phẩm có sorbitol (kẹo cao su, kẹo không đường), đường tinh luyện và thực phẩm nhiều gia vị.

Thảo dược quý cho người viêm đại tràng

Mộc hoa trắng, còn gọi là cây sừng trâu. Chất conessin trong hạt dùng an toàn qua đường uống để diệt trùng amip, tác nhân chính gây tiêu chảy, viêm đại tràng cấp và mãn tính. Liều dùng: 3–6g bột hạt/ngày.

Thảo dược quý cho người viêm đại tràng 

Kha tử chứa 20–40% tannin có tác dụng sát trùng đường ruột, chữa tiêu chảy lâu ngày, lỵ kinh niên.

Mộc hương giúp kiện tỳ, hòa vị, điều khí trị chứng đầy bụng, khó tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, lỵ cấp và mãn tính.

Hoàng liên chứa berberin 3–4% có tác dụng kháng khuẩn, trị đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ, trị viêm dạ dày và viêm ruột.

Bạch truật chứa tinh dầu, có tác dụng kiện tỳ vị, trị đau dạ dày, chữa đầy hơi, tiêu chảy,viêm đại tràng cấp và mãn tính.
Người bệnh thường dùng các vị thảo dược trên với liều lượng 3–6g mỗi ngày dưới dạng thuốc sắc.

Riêng bạch truật có thể dùng khoảng 6–12g mỗi ngày.

Dấu hiệu thoái hóa đốt sống cổ mà dân văn phòng buộc phải biết

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ thường xuất hiện ở những người ngoài 30 tuổi, đặc biệt là dân văn phòng. Tuy nhiên, mọi người thường chỉ phát hiện ra mình mắc bệnh khi bệnh đã nặng.




Bệnh thoái hóa đốt sống cổ cũng như tóc bạc, loãng xương…, là một trong những căn bệnh phổ biến nhiều người mắc phải, nhất là dân văn phòng. Rất nhiều người cảm thấy lo lắng khi phát hiện mình mắc bệnh này.

Bệnh thoái hóa đốt sống cổ không phải là bệnh nan y, hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị được. Tuy nhiên nếu không kịp thời điều trị thì cũng sẽ rất nguy hiểm. Theo thời gian, quá trình thoái hóa diễn ra ngày càng nhanh và trầm trọng. Trong đó, nếu đốt sống cổ thoái hóa ở mức độ nặng, các chồi xương và khối lồi thoát vị đĩa đệm sẽ phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau, tủy sống cổ bị chèn ép sẽ xuất hiện hội chứng cổ - tủy sống, đe dọa tính mệnh người bệnh. Ngoài ra, thoái hóa đốt sống cổ còn gây nên nhiều hội chứng phức tạp, nguy hiểm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Thông thường căn bệnh này xuất hiện ở những người ngoài 30 tuổi, đặc biệt là dân văn phòng ít vận động, phải làm việc máy tính 8 tiếng/ngày, những người phải sử dụng nhiều động tác ảnh hưởng đến vùng đầu cổ. Và thông thường, đa số bệnh nhân không biết mình mắc bệnh thoái thoái hóa đốt sống cổ khi bệnh đã trở nên trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt.

Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết bạn bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ:

- Triệu chứng rõ nhất của bệnh thoái hóa đốt sống cổ thời gian đầu đó là mỏi cổ, cổ cứng nhắc khó xoay chuyển kèm với dấu hiệu đau cổ sau đó lan xuống vai. Ngoài ra còn đau đầu, đau dây thần kinh sau gáy, mất ngủ, gầy rộc, sức làm việc giảm sút không rõ nguyên nhân… Những cơn đau do thoái hóa đốt sống cổ sẽ ngày một kéo dài từ gáy sau đó lan dần sang tai đến cổ gây ảnh hưởng lớn đến tư thế sái cổ, vẹo cổ…

- Với chứng thoái hóa đốt sống cổ ở cao, người bệnh còn có triệu chứng nấc, ngáp, chóng mặt. Khám chỉ thấy các cử động ở cổ bị hạn chế (nặng); có thể cảm giác cứng gáy, có điểm đau khi ấn vào các gai xương và các mỏm ngang của cột sống cổ, chụp X-quang cột sống cổ thấy mất đường cong sinh lý, hẹp đĩa liên đốt, biến dạng ở thân đốt, có các gai xương.


- Nhìn chung, nếu bạn có các cảm giác đau, mỏi, nhức khó vận động vùng cổ là nhiều khả năng mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Một số người bệnh khi thời tiết trở trời kết hợp với một tư thế nằm không thuận lợi ban đêm có thể gây cứng cổ sáng hôm sau. Người bị cứng cổ không tự đi được và rất sợ những cơn ho, hắt hơi. Có người đau ê ẩm vùng gáy hoặc cả mảng đầu sau, rồi lan sang mảng đầu bên phải. Một số khác đau liên tục, không quay đầu sang trái hay sang phải được mà phải xoay cả người...

- Bên cạnh đó, nếu thoái hóa vùng cổ, bệnh nhân sẽ thấy nhức đầu vùng thái dương, trán, hai hố mắt vào buổi sáng; có khi tê tay do đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép; kèm theo chóng mặt, ù tai, nhức đầu, hoa mắt; cột sống cổ biến dạng, vẹo, hạn chế vận động, co cứng cạnh cổ.

Để phòng tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ ở dân văn phòng, các bác sĩ đưa ra lời khuyên: Chúng ta nên thường xuyên tập các bài thể dục nhẹ nhàng, chơi các bộ môn thể thao sau thời gian dài ngồi làm việc mỗi ngày, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Rèn luyện đều đặn giúp bảo đảm cho các khớp xương ổn định, duy trì được vận động, giảm bớt sự cứng khớp, ngăn ngừa thoái hóa đốt sống cổ.

Ngoài ra, để phòng tránh bệnh, bạn cần tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt, lao động gây đau như: Ngồi lâu, đứng lâu một tư thế. Bạn cũng nên massage cổ thường xuyên, thay đổi tư thế làm việc… Khi đi máy bay hay đi ôtô đường dài, tư thế ngồi đúng nhất là ngả lưng ghế ra sau khoảng 15 độ (tức là lưng ghế và mặt ghế tạo thành một góc 105 độ) và ngồi dựa vào lưng ghế.


Nếu bạn mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ, bạn cần tham gia vật lý trị liệu, châm cứu, nên ngủ đủ giấc, ngả lưng một chút trong buổi trưa cũng rất quan trọng. Tốt nhất nên có gối mỏng để tránh đau cổ. Ăn các thức ăn có nhiều chất xơ và ít chất béo sẽ làm giảm khối lượng cơ thể để cột sống chỉ phải nâng đỡ một khối lượng ít hơn.

Tuy nhiên nếu nghi ngại mình mắc phải bệnh thoái hóa đốt sống cổ, bạn cần phải tới khám ở những bác sỹ chuyên khoa để có hướng điều trị kịp thời nhất cho chuẩn xác.

Những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của hạt mắc-ca

Những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của hạt mắc-ca
Gần đây nhiều gia đình Việt Nam bắt đầu dùng thử hạt mắc-ca thay cho kẹo bánh. Nó không chỉ lạ miệng, thơm ngon mà còn có giá trị tuyệt vời cho sức khỏe nhưng lại ít người biết đến.

mắc-ca mang lại những lợi ích tuyệt vời 

Hạt mắc-ca là gì?

Mắc-ca hay mác-ca, tên khoa học Macadamia, là một chi cây thân gỗ có nguồn gốc từ châu Đại dương, thuộc họ Proteaceae. Riêng hạt được xếp nhóm hạt ngon nhất thế giới, được trồng nhiều ở vùng khí hậu nhiệt đới Australia, Brazil, Indonesia, Kenya, New Zealand và Nam Phi. Mặc dù Australia là nơi sản xuất lớn nhất hạt mắc-ca, nhưng mắc-ca Hawaii mới được xem là nổi tiếng, thơm ngon và có lợi cho sức khỏe.

Theo thống kê, có tới bảy loài mắc-ca, nhưng chỉ có hai ăn được và được trồng, đó là mắc-ca vỏ mịn (Macadamia integrifolia) và mắc-ca vỏ thô (Macadamia tetraphylla). Hạt mắc-ca có giá sử dụng cao, 90% dùng làm thực phẩm, trong đó vỏ được dùng làm chất độn, phân bón và nhiên liệu. Hạt được coi là “vị thuốc quý” dùng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, như bơ mắc-ca, sôcôla, kem, bánh, snacks...

Giá trị dinh dưỡng

Có tới 90% mắc-ca được dùng cho mục đích thực phẩm, bởi rất giàu vitamin A, sắt, protein, thiamin, riboflavin, niacin và folate. Hạt chứa một lượng vừa phải kẽm, đồng, canxi, phốt pho, kali và magiê, chất chống oxy hóa như polyphenol, axít amin, chất flavon và selen. Đặc biệt mắc-ca còn là nguồn carbohydrate hữu ích giống như sucrose, fructose, glucose, maltose và một số tinh bột gốc carbohydrates. Giàu chất béo không bão hòa đơn (MUFA) có lợi cho sức khỏe tim mạch, được xem là chất béo tốt làm giảm nồng độ cholesterol xấu LDL (mỡ máu) và huyết áp. Thực tế, những người bổ sung các loại hạt mắc-ca đều đặn trong chế độ ăn uống hàng ngày giảm được mỡ máu xấu tới 10%. Trung bình, một xuất ăn, khoảng 10 hạt, có chứa 200 calo, 22g chất béo.

Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), hạt mắc-ca có chứa trên 25 vitamin, khoáng chất các loại. Ví dụ, với 100g mắc-ca có chứa: nước 1,36g, năng lượng 718 calo, protein 7.91g, chất xơ toàn phần 8,6g, đường 4,57g, canxi 85mg. sắt 3,69mg, vitamin C 1,2mg, thiamin 1,195mg , vitamin E (alpha-tocopherol) 0,54mg. cholesterol 0mg và caffeine 0mg..

7 lợi ích sức khỏe của hạt mắc-ca

Tốt cho sức khỏe tim mạch: theo nghiên cứu 100% hạt mắc-ca không có chứa cholesterol nên rất có lợi cho sức khỏe tim, không làm tăng cholesterol xấu (mỡ máu) của cơ thể. Đặc biệt, hạt mắc-ca giàu chất béo không bão hòa đơn, giảm LDL cholessterol và trigyceride, giúp mạch máu thông suốt, và làm giảm bệnh mạch vành.

Giàu chất chống oxy hóa: một lợi ích sức khỏe vô cùng to lớn khác của hạt mắc-ca là giàu flavonoid. Flavonoid là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn chặn các tế bào bị tổn thương, nhiễm độc vì môi trường. Khi ăn hạt mắc-ca, các flavonoids chuyển đổi thành chất chống oxy hóa, sau đó nó tìm và diệt các gốc tự do để bảo vệ cơ thể khỏi mắc bệnh, kể cả các căn bệnh nan y như ung thư vú, cổ tử cung, ung thư phổi và ung thư dạ dày.

Giúp giảm cân: nhiều người quan niệm hạt mắc-ca giàu chất béo và cholesterol nên tránh ăn. Nhưng thực ra các chất béo có trong hạt mắc-ca là chất béo không bão hòa đơn nên có tác dụng thúc đẩy giảm cân. Hạt mắc-ca rất giàu axít palmitoleic, và chất béo omega giúp cung cấp các khối xây dựng nên enzym và kiểm soát việc đốt cháy chất béo và hạn chế sự thèm ăn. Đặc biệt, axít palmitoleic còn làm tăng chuyển hóa mỡ và làm giảm mỡ tích trong cơ thể. Hàm lượng axít béo của hạt mắc-ca còn hỗ trợ người ăn cảm thấy thỏa mãn và không cảm thấy háu ăn.

Giàu protein: hạt mắc-ca là loại quả giàu protein, một thành phần quan trọng không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày, giúp tạo cơ bắp và các mô liên kết. Protein còn là một phần tạo ra máu, giúp cơ thể khỏe mạnh, duy trì sức khỏe da, tóc, móng tay chân và nhiều chức năng quan trọng khác.

Giàu chất xơ thực phẩm: hạt mắc-ca có chứa tới 7% chất xơ thực phẩm như carbohydrate phức, chất xơ hòa tan và không hòa tan. Chất xơ thúc đẩy cảm giác no lâu, cung cấp thức ăn thô, trợ giúp tiêu hóa và giảm thiểu táo bón và nhiều bệnh khác liên quan đến tiêu hóa.

Tốt cho sức khỏe xương: phốt pho trong hạt mắc-ca đóng vai trò quan trọng đối với quá trình khoáng hóa của xương, răng, trao đổi chất, hấp thụ và vận chuyển các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Canxi còn giúp hình thành răng và xương. Riêng mangan có trong mắc-ca giúp cơ thể lắng đọng mô xương mới, hình thành xương cũng như sức khỏe cho xương khi con người ta tuổi cao. Omega 3 có trong hạt mắc-ca giúp ngừa loãng xương và làm giảm thiệu chứng bệnh viêm xương khớp.

Tăng cường sức khỏe não bộ: hạt mắc-ca rất giàu nhóm dưỡng chất có lợi cho não và sức khỏe hệ thần kinh. Đặc biệt, đồng trong hạt mắc-ca giúp sản xuất hóa chất truyền dẫn thần kinh, hóa chất mà tế bào não cần đến để truyền gửi các thông báo quan trọng.

Nguyên nhân gây nôn mửa sau khi ăn

Nguyên nhân gây nôn mửa sau khi ăn
Nôn mửa là tình trạng thức ăn sau khi được tiêu thụ trào ngược ra đường miệng. Nguyên nhân có thể từ bên trong như sỏi mật, vấn đề về hệ tiêu hóa và các tế bào đường ruột, hoặc cũng có thể do các nguyên nhân bên ngoài như do dị ứng, ngộ độc thực phẩm, ăn quá nhiều...

Dị ứng thực phẩm
Cơ thể bạn có thể không “chấp nhận” một số thành phần trong một số thực phẩm nhất định. Khi vô tình ăn phải những món ăn mà cơ thể dị ứng, chắc chắn bạn sẽ bị nôn mửa. Có người dị ứng khi ăn hải sản, đậu phộng, có người lại dị ứng với cá, trứng, sữa...Vì vậy, bạn cần nhận biết cơ thể mình có phản ứng dị ứng với loại thực phẩm nào để tránh ăn phải gây nôn mửa.
Nôn mửa là tình trạng thức ăn sau khi được tiêu thụ trào ngược ra đường miệng.

Các thói quen xấu

Hút thuốc lá và uống quá nhiều đồ uống chứa cồn như rượu, bia trong bữa ăn cũng là một nguyên nhân có thể gây buồn nôn.

Thói quen ăn uống

Ăn quá nhiều, ăn vội và nhai không kỹ không những khiến bạn buồn nôn mà còn gây các vấn đề khác về tiêu hóa.
Ăn quá nhiều, nhai không kỹ cũng là nguyên nhân gây nôn mửa

Ngộ độc thực phẩm

Thực phẩm bị nhiễm khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Khi bị ngộ độc, bạn sẽ cảm thấy buồn nôn, ói mửa do cơ thể đang tự động tìm cách đẩy chất độc ra ngoài.

Khó tiêu

Tình trạng khó tiêu có thể dẫn đến đầy hơi, ợ nóng, đau dạ dày và nôn mửa.

Tính a-xít

Khi các a-xít trong dạ dày mất đi độ cân bằng tự nhiên, rất nhiều thay đổi sẽ diễn ra trong hệ tiêu hóa và có thể gây nôn mửa.

Ký sinh trùng

Vi khuẩn, virus và các loại ký sinh trùng khác gây nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng là một trong các nguyên nhân khiến bạn buồn nôn.

9 tác hại lâu dài đến sức khỏe khi bỏ bữa sáng

9 tác hại lâu dài đến sức khỏe khi bỏ bữa sáng
Bỏ bữa sáng khiến cơ thể dễ tăng cân, mệt mỏi, năng suất làm việc thấp và tiềm ẩn nguy cơ mắc nhiều căn bệnh.

Dưới đây là 9 ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu bạn bỏ bữa sáng. 

Có hại cho tim mạch

Những người đàn ông bỏ qua bữa ăn sáng có nguy cơ mắc bệnh tim nhiều hơn 27% so với người ăn sáng đều đặn. Nghiên cứu do tiến sĩ Leah Cahill (Mỹ) cùng các cộng sự tiến hành, cho thấy một bữa ăn sáng lành mạnh có thể thực sự kiềm chế nguy cơ đau tim.

Những người ít khi ăn sáng dễ đối mặt với tình trạng cao huyết áp, tắc nghẽn động mạch. Ngoài ra, nếu bỏ bữa sáng lâu ngày bạn có thể gặp vấn đề sức khỏe tim mạch mãn tính, thậm chí là chứng đột quỵ.

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.

Nguy cơ ung thư

Bỏ bữa sáng làm ngưng trệ quá trình nạp năng lượng trong một khoảng thời gian dài, dẫn đến nhu cầu ăn bù ở những bữa sau. Điều này làm mất cân đối năng lượng, mở đường cho việc tăng tỷ lệ béo phì. Một nghiên cứu ung thư ở Anh chỉ ra rằng một người bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư.

Tác động tiêu cực tới tâm trạng và mức năng lượng

Nhóm nghiên cứu ở Anh khảo sát 144 người khỏe mạnh đã trải qua một đêm ăn chay, chia thành ba nhóm. Một nhóm vừa ăn sáng, nhóm thứ hai chỉ có cà phê và nhóm thứ ba không ăn sáng. Các nhóm được theo dõi trong một vài giờ sau đó. Kết quả cho thấy nhóm người không được cho ăn sáng thể hiện trí nhớ kém và mệt mỏi nhất. 

Tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2

Đại học Y tế công cộng Harvard đã tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm ra mối tương quan giữa thói quen ăn uống và sức khỏe. 46.289 phụ nữ tham gia nghiên cứu kéo dài trong khoảng 6 năm. Kết quả là những phụ nữ bỏ qua bữa ăn sáng tăng 54% nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2.

Chỉ cần một lát bánh mì với quả trứng ốp la là đủ cho bữa sáng.
Tăng cân

Nếu đang theo chế độ giảm cân và có thói quen bỏ qua bữa ăn sáng thì bạn đang đi xa mục tiêu giảm béo của mình. Bỏ qua bữa sáng làm tăng sự thèm ăn ngọt và các thực phẩm béo. Bạn sẽ nạp vào lượng calo vượt quá nhiều ở bữa sau và tăng cân nhanh chóng.

Có thể là nguyên nhân đau nửa đầu

Hạ đường huyết là một thuật ngữ y tế để chỉ ra mức độ thấp của lượng đường trong máu. Bỏ ăn sáng kích hoạt một loạt các kích thích trong cơ thể nhằm bù đắp cho lượng đường thấp. Chính điều này làm tăng huyết áp, gây ra chứng đau nửa đầu và đau đầu.

Gây rụng tóc

Nếu bỏ qua bữa sáng, cơ thể không nạp đủ protein, ảnh hưởng đến mức keratin là nguyên nhân chính khiến mái tóc rụng, hói hay chẻ ngọn. Keratin là thành phần chiếm tới 70% trong cấu tạo tóc, một loại protein có tác dụng bảo vệ tóc tránh khỏi những hư tổn và kéo dài tuổi xuân cho mái tóc. Bữa sáng là bữa ăn tinh túy giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của các nang tóc. Vì vậy, muốn mái tóc đẹp, bạn nên thưởng thức bữa ăn sáng giàu protein hàng ngày.

Bữa sáng giàu protein giúp cơ thể khỏe, đẹp.

Ảnh hưởng sự trao đổi chất

Ăn sáng giúp kích hoạt sự trao đổi chất trong một ngày mới. Đó là bữa ăn đầu tiên trong ngày bạn nuôi dưỡng cơ thể sau một giấc ngủ dài.

Làm cơ thể nôn nao

Bỏ bữa sáng khiến cơ thể nôn nao. Một bữa sáng lành mạnh giàu chất sắt, folate, khoáng chất và các vitamin khác sẽ bù đắp cho cơ thể chất dinh dưỡng bị mất, tránh tình trạng nôn nao và đau đầu thường gặp.

Những sai lầm tai hại khi ăn cá

Những sai lầm tai hại khi ăn cá
Cá xuất hiện thường xuyên trong các bữa ăn của người Việt bởi ngon miệng, giàu dinh dưỡng, dễ hấp thu và tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu ăn cá không đúng có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Dưới đây là những điều bạn cần phải tránh khi ăn cá:


Ăn cá khi bị ho – bệnh càng nặng

Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thì người ho lâu ngày và phải dùng thuốc điều trị không nên ăn cá, đặc biệt là cá biển để tránh bị dị ứng.

Bởi lẽ, trong cá biển có chứa nhiều histamine, khi được nạp vào cơ thể quá nhiều nó sẽ xâm nhập vào quá trình tuần hoàn máu, gây ra hiện tượng dị ứng với histamine.

Việc ăn cá khi sử dụng thuốc ho, hay các thuốc kháng sinh liều cao,thuốc hạ huyết áp là điều các chuyên gia y tế khuyên bạn không nên dùng cùng lúc. Nó sẽ làm phản tác dụng của cả thuốc và thực phẩm, gây hại cho bạn.

Bắt cá lên ăn tươi, sống – dễ nhiễm độc và giun sán

Thông thường cá chỉ được ăn chín mà thôi, tuy vậy, nhiều người lại cho rằng ăn cá càng tươi sống càng bổ dưỡng. Tuy nhiên thực tế lại ngược lại. Hầu như tất cả các loài cá đều bị nhiễm ký sinh trùng một cách tự nhiên, nếu không nấu chín thì không thể tiêu diệt các kí sinh trùng đi.

Nếu ăn cá sống, các kí sinh trùng này sẽ xâm nhập vào cơ thể, gây bất lợi cho gan, làm cho gan bị nhiễm ký sinh trùng, trường hợp nghiêm trọng thậm chí dẫn đến ung thư gan.



Cũng giống như nhiều loài động vật khác, cá có thể ăn phải các trứng sán có nhiều ngoài môi trường. Khi vào cơ thể động vật, trứng sán phát triển thành các ấu trùng, nang sán và cư ngụ ở trong nội tạng động vật. Cá nước ngọt có nguy cơ này cao hơn cả. Một trong số những loài kí sinh trùng mà cá nhiễm phải là sán dây.

Loại ký sinh trùng này nếu không được tiêu diệt có thể lây sang cơ thể người và cư trú trong ruột của người suốt nhiều năm, phát triển tới chiều dài 1-2m và gây ra những cơn đau quằn quại, giảm cân và bệnh thiếu máu.

Do vậy, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ không được ăn cá sống, tái, chưa chín kỹ vì rất dễ mắc bệnh giun sán.

Ăn cá khi đói - nguy cơ bị gout

Ăn cá khi đói khiến cho nguy cơ phát tác bệnh gout tăng lên. Sở dĩ vậy vì hàm lượng dinh dưỡng trong cá có chất đạm cao được nạp vào cơ thể bạn khi đói sẽ làm tăng lượng Purine chuyển hóa thành dạng axit uric – một loại axit làm tổn thương ở mô, dẫn đến bệnh gout. Vì vậy, để tránh nguy cơ mắc bệnh gout, bạn không nên ăn cá lúc đang đói.

Nguy cơ này cao hơn khi bạn ăn cá biển, cá ở tầng nước sâu vì hàm lượng đạm của những loại cá này là rất cao. Không chỉ riêng cá mà các loại hải sản nói chung luôn được các chuyên gia về gout khuyến cáo không nên sử dụng.


Ăn mật cá giải độc lại thành độc

Nhiều người vẫn truyền miệng nhau rằng mật cá có tác dụng chữa bệnh như: Đau bụng, đau lưng, hen suyễn…. Tuy nhiên, đây là một bài thuốc truyền miệng nguy hiểm chết người. Đến nay chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định việc nuốt mật cá có tác dụng chữa bệnh mà thực tế rất nhiều trường hợp nuốt mật cá đã tử vong.

Mật của các loại cá (kể cả cá trắm đen và trắng) đều có chất độc, nếu ăn phải có thể bị ngộ độc nguy hiểm.

Hàng năm, các bệnh viện vẫn nhận được các trường hợp cấp cứu do ngộ độc mật cá. Qua phân tích người ta thấy, trong mật cá, đặc biệt là mật cá trắm, cá chép thường có chứa độc tố alcol steroid. Chất này gây viêm gan, viêm thận cấp, tác hại lên hệ thần kinh.

Gặp phải trường hợp ngộ độc mật cá này, bạn nên xử trí bằng cách đào thải chất độc ra khỏi cơ thể với việc gây nôn sớm, rửa dạ dày, lọc màng bụng, điều chỉnh nước, điện giải và muối, dùng các biện pháp hỗ trợ hô hấp, tim mạch.

Để đề phòng ngừa ngộ độc khi ăn cá phải chọn cá tươi, không bị vỡ mật, khéo léo bóc bỏ trọn bộ đồ lòng (nhất là cá lớn), nếu phát hiện mật cá bị vỡ thì rửa cá thật sạch, nấu nướng kỹ. Tốt nhất nên bỏ mật, lòng cá.